Sau những ngày chuẩn bị hết sức khẩn chương, đúng ngày 29/01/2016, từ Hà Nội, đoàn Hành trình KNYT của chúng tôi gồm 95 thành viên do Vinh Knyt làm trưởng đoàn và phó đoàn Mã Tới hồ hởi lên đường mang Tết ấm biên cương đến cho các em học sinh và đồng bào bản Buốt xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn – Sơn La. Khoảng cách địa lí với “tâm điểm” không xa mà sao con đường đến với no ấm của bản làng các vùng Tây Bắc như nơi đây lại dặc dài đến thế! Hành trình của chúng tôi đến với đồng bào mình không phải bằng lời nói hoa mĩ mà bằng đôi chân trần và tấm lòng yêu thương thành thật.
Xe xuất phát lúc 23 giờ 20 phút đến thị trấn Hát Lót khoảng 7 giờ sáng. Hai đồng chí Hoa Núi và Hải Yến đón chúng tôi bằng nụ cười hồ hởi và chiêu đãi đoàn một bữa ăn sáng thật ấm lòng. Sau đó, đoàn di chuyển tới trường mầm non Chiềng Kheo, từ đây, di chuyển tiếp vào trường tiểu học bản Buốt khoảng 5km. Xã huy động hai xe công nông chuyển đồ giúp chúng tôi.
Con đường vào trường không xa nhưng đủ cho chúng tôi thấy nỗi gian nan, khó nhọc của thầy trò ở nơi đây trên hành trình kiếm tìm con chữ. Tôi được cô Xoan, giáo viên mầm non tăng bo vào trường bằng xe máy. Ngồi phía sau một tay xế cừ khôi, đầy trải nghiệm nhưng tim tôi cứ thót lại, cơ bụng bị ép tới tận sống lưng, tay tóm chặt lấy sườn áo cô mà mắt vẫn nổ hoa đom đóm. Bởi dưới con đường đất gầy guộc, ngoằn ngoèo trơn như mỡ này là thung lũng, khe sâu, ruộng nước chỉ chệnh tay lái một tích tắc thôi là không kịp hát một câu vị nghĩa quên thân nữa đâu.
Có lẽ vào mùa mưa, con đường này cấm vận hoàn toàn vì nó trườn qua mấy con suối, leo qua những triền dốc cheo leo. Cô giáo trẻ cho tôi biết những ngày lũ về, con đường này là kẻ đồng loã đắc lực cho con lũ. Chúng dữ tợn lao ầm ầm từ trên núi xuống, cuốn quét tất cả những gì có ý định cản trở đường đi của chúng, kể cả những hòn đá hiền lành, ngàn năm chả trêu ghẹo, mâu thuẫn với ai mà cũng bị chúng nhổ bật lên, lôi kéo vào cuộc phá phách, những ngày như thế, cả thầy và trò phải xắn quần đạp đất đội trời đến trường. Tới nơi, ai cũng ướt như chuột lột.
Dọc đường đi, tôi thấy bát ngát những quả đồi, triền núi, cây cối thưa thớt, cằn cỗi, đất đai bạc màu. Tôi hỏi cô: Vì sao đất đai bạt ngàn thế này mà dân ta vẫn nghèo đói? Cô trả lời: Vì con người đã khai thác nó đến cạn kiệt, cây rừng bị đốn hạ, muông thú bị săn bắt, mưa nắng làm xói mòn, đói phân mà phân bón lại giả mạo, canh tác còn manh mún… Tôi thở dài, một nỗi buồn xâm lấn toàn thân.
Đoàn vào đến trường đúng lúc các em tan học, các em ùa ra đón chúng tôi, những đôi mắt hiền lành ánh lên niềm vui và lạ lẫm. Tôi gặp một cô giáo trẻ và rất xinh đẹp, tôi hỏi về tình hình học tập của các em. Cô cho biết con đường gieo con chữ ở nơi đây gian nan lắm nhưng chưa thấm vào đâu so với các thầy cô cắm bản ở những vùng biên xa cách đây hàng trăm km. Có học sinh đến trường gần một năm trời chỉ đọc được một chữ o. Chúng luôn phải đứng giữa ngã ba đường, một tay cha mẹ nắm kéo lên nương, một tay thầy cô nắm kéo đến trường. Cuộc giằng co chưa bao giờ có hồi kết. Nếp nghĩ của cha mẹ chúng bao đời vẫn thế, cái bụng không no thì làm sao học được cái chữ. Học xong lên nương nó lại rơi theo nhát cuốc hạt ngô thôi, thế thì học để làm gì. Tư duy ấy giống như con đường gầy guộc gập ghềnh nơi đây biết khi nào mới đổi thay?
Để thuyết phục các em đến trường, các thầy cô thường phải sẻ chia khẩu phần ăn khiêm tốn của mình cho các học trò nghèo. Hơn thế, còn mang trong mình nỗi trăn trở làm sao để tương lai của các em thoát nghèo? Chỉ có con đường tri thức, sự dẫn dắt của khoa học tiến bộ. Vậy mà các em không chịu học thì biết làm sao đây? Và con đường là giao thông huyết mạch mà đi lại khó khăn thế này thì biết khi nào kinh tế, văn hoá mới phát triển, người dân mới cơm no áo ấm? Tôi biết trăn trở này đâu phải của của riêng ai.
Tôi quay ra xem mọi người triển khai công việc, tốp thì dựng sân khấu, tốp thì chuẩn bi loa đài, sửa soạn quà, tốp thi vào bản tặng quà cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt… Khoảng 12 giờ, công việc tạm ổn, chúng tôi tập trung ăn trưa dưới sân trường.
Ngồi ăn giữa quả đồi lộng gió, tôi không thả hồn ngắm mây bay gió thổi, mà hướng mắt vào những đứa trẻ nhà xa ở lại trường, không biết chúng đã ăn gì chưa mà đôi mắt cứ liếc trộm những đĩa thịt trên mâm cơm của đoàn, giấu kín nỗi thèm thuồng. Nhóm học sinh tình nguyện dẫn chúng ngồi vào ăn, nhìn chúng ăn ngon lành có chút vội vã mà lòng tôi xót xa, thật là tấm ảnh ngược sáng của những trường bán trú ở đất đô thành.
Tôi lại hướng mắt mình xuống dưới chân, từ bao giờ, hàng chục con chó đã xuất hiện, chúng châu tuần hội tụ về đây để dự bữa tiệc miễn phí hiếm hoi. Con nào cũng gầy, chúng cần mẫn nhặt những miếng xương thực khách ném dưới chân, nhai ngấu nghiến, nuốt vội vàng nhưng khiêm nhường không ồn ào tranh cướp, va chạm, mà thầm lặng, hiền hoà. Trong số đó có một con chó mẹ, nó đang nuôi con. Nó muốn khoe với mọi người rằng nó rất hoàn hảo, không thiếu một cái xương sườn nào và mang đến một bức Thông điệp: ĐÓI. Nó đến muộn, có lẽ nhà xa, con gió mang tin vui đến chậm. Tôi gọi nó đến, ưu tiên cho nó những gì có thể. Nó ăn một cách tập trung và không chê thứ gì, bởi với nó, đây là những cao lương mĩ vị.
Buông bát đũa, không có thời gian để nghỉ ngơi, mọi người hối hả bắt tay ngay vào việc. Đúng 13 giờ, ngót ba trăm học sinh mầm non và tiểu học của bản Buốt cùng bố mẹ tay trong tay đến trường. Các quan khách cũng có mặt đông đủ. Chương trình Ga la Tết ấm biên cương – Đan dệt yêu thương bắt đầu kích hoạt. Nhạc từ giàn âm thanh hiện đại vang khắp núi rừng mời gọi bao trai làng gái bản đến chung vui khiến đêm hội ngày càng trở nên đông vui, sôi động.
Sau màn khai mạc, là chương trình tặng quà cho các em rồi tổ chức trò chơi, các cô giáo thì thi gói bánh… Sân khấu diễn ra không lúc nào ngừng. Khi màn sương bắt đầu buông xuống núi, các em được xem phim hoạt hình, rồi đến các tiết mục giao lưu văn nghệ giữa đoàn và thầy trò trường bản Buốt cùng nhân dân địa phương. Suốt từ lúc bắt đầu khởi động cho đến khi kết thúc, sân khấu mỗi lúc một nóng lên. Bốc lửa nhất là khi bản nhạc châu Âu hiện đại nổi lên, tất cả như bị cuốn vào, hút vào, gây phấn khích cực độ, chẳng ai có thể ngồi yên, mọi người cùng đứng lên nhảy múa, hát vang bài ca Tôi yêu Việt Nam. Rồi cùng nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa trại, hát Nối vòng tay lớn.
Cuộc vui kết thúc đột ngột, để lại cho mọi người biết bao tiếc nuối. Đoàn phải nhanh chóng nhổ trại để về Hà Nội ngay trong đêm. Thanh niên, người già, trẻ em vẫn còn đứng đó quyến luyến chẳng muốn về. Tôi hỏi vì sao còn đứng đó? Mấy bà, mấy chị nói: Ô…còn thèm lắm! Sao hết sớm thế? Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa bao giờ được xem hay thế này. Thỉnh thoảng lại lên biểu diễn cho bà con xem nhá ( cười tươi). Tôi trộm nghĩ: thế mới biết đồng bào vùng sâu vùng xa còn đói cơm, đói áo, đói văn hoá cỡ nào. Ôi! Thương lắm! Mà xa lắm! Mà đau lắm!
Chia tay thầy trò bản Buốt, chúng tôi mang theo về niềm thương, nỗi nhớ. Chuyến đi thành công tốt đẹp nhưng vẫn còn đó biết bao trăn trở. Cầm tay những đồng nghiệp của tôi mà nước mắt cứ chực rơi… Ta tạm xa nhau nhé bạn lòng ơi! Sự nghiệp trồng người của chúng ta vô cùng gian nan và trọng đại. Nó thiêng liêng và trách nhiệm vô cùng, nhất là ở những nơi cao xanh khuất nẻo mà các bạn đang tác nghiệp này. Chúng ta không chỉ dạy cho các em biết cái chữ mà quan trọng hơn là làm thế nào để thoát nghèo, để hội nhập, để xoá bỏ khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược, để khẳng định mình trong đời sống xã hội.
Dạy cho các em có ý chí nghị lực, biết đứng lên từ mảnh đất nghèo khó dưới chân mình:” Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn… Sống trên đá không chê đá gập ghềnh. Sống trong thung không chê thung nghèo đói. Sống như sông như suối. Lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc” (Y Phương). Sống hồn nhiên, yêu đời, mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Dạy cho các em lòng tự tin, tự trọng “tự đục đá kê cao quê hương” bằng chính ý thức tự lực của mình. Bền Bỉ gắn bó với quê hương, nhất định đời sống sẽ đi lên và hội nhập tốt.
Hỡi những bông Hoa Núi, những bông Hoa Lan Tím, những Hải Yến Hoa Xoan…! Các bạn mãi mãi là những bông hoa ngát hương tươi thắm của núi rừng Tây Bắc. Hãy vững tin trên con đường lí tưởng của mình. Các bạn xứng đáng là những chiến sĩ anh hùng trên mặt trận văn hoá. Tôi yêu các bạn! Hẹn gặp lại nhé bản Buốt ơi!
Tháng 1 năm 2016.
Lã Minh Luận
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=151457255235794&id=100011145603752